Ngày nay, các sản phẩm thịt nhân tạo của Impossible hay Beyond Meat đã có mặt tại nhiều chuỗi đồ ăn nhanh và siêu thị, đánh dấu xu hướng sử dụng thịt "không hại động vật", đồng thời khích lệ thay đổi thói quen ăn thịt truyền thống. Tuy nhiên, điều này vấp phải nhiều phản ứng nghi ngờ từ một số tên tuổi trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm.

Các luồng tranh cãi rơi vào 4 ý kiến chính: (1) Thịt nhân tạo bị xử lý quá nhiều; (2) Chứa sinh vật đột biến gen (GMO); (3) Chúng không thực sự tốt – thậm chí còn gây hại – cho sức khỏe; và (4) không đem lại cảm giác hấp dẫn như thịt thật.

Hình minh họa. Nguồn: Getty Images
Hình minh họa. Nguồn: Getty Images

Lãnh đạo các tập đoàn lớn như Whole Foods hay Chipotle đã chỉ trích các loại thịt chế biến từ thực vật đã đi qua quá nhiều quy trình xử lý trước khi đến tay người tiêu dùng. CEO Whole Foods John Mackey trả lời phỏng vấn CNBC, cho rằng “việc ăn các loại thực phẩm qua nhiều quá trình xử lý là không lành mạnh”. Thay vào đó, Mackey tin rằng con người nên tiêu thụ thực phẩm toàn phần, ít qua xử lý (whole food).

Tuy nhiên, “đã qua xử lý” là một thuật ngữ vẫn còn mơ hồ để đánh giá mức độ lành mạnh của thực phẩm. Ví dụ như tiệt trùng, hay bổ sung các vitamin cũng được tính là xử lý thực phẩm, hay sữa chua cũng được coi là thực phẩm đã qua xử lý cao độ. Tuy quy trình xử lý sẽ khiến nhiều loại thực phẩm trở nên không lành mạnh, nhưng không phải thực phẩm đã qua xử lý nào cũng có hại cho sức khỏe. Do đó, để biết thực phẩm có lành mạnh hay không, cần nhìn vào bảng thành phần và cụ thể quy trình xử lý là gì.

Bên cạnh đó, hàm lượng các sinh vật biến đổi gen GMO – cũng là một yếu tố gây lo ngại. Trở thành mục tiêu của chiến dịch phản đối GMO do Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe tổ chức, Impossible Burger đã thanh minh việc sử dụng hạt đậu nành và một nguyên liệu “heme” đặc biệt từ rễ đậu biến đổi gen nhằm tạo hiệu ứng “chảy máu” giống thịt thật nhưng chúng đều được sản xuất từ nấm men. Bên cạnh đó, công ty còn giải thích rằng việc nhập đậu nành không chứa GMO từ Brazil sẽ làm tăng lượng phát thải carbon và ảnh hưởng tới môi trường. Hiện, vẫn chưa có bằng chứng nào chứng minh tác hại của GMO tới sức khỏe con người. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA cũng đã chứng nhận độ an toàn của heme mà Impossible Food sử dụng.

Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng đã phân tích và cho rằng thịt nhân tạo không tốt hơn, những cũng không gây hại cho sức khỏe hơn thịt thật. Theo cây bút khoa học Ryan Mendelbaum, nếu muốn có một bữa ăn giàu dinh dưỡng và tốt cho tim mạch, chúng ta có thể, và nên ăn các loại rau, ngũ cốc nguyên hạt và hoa quả (thay vì burger thịt nhân tạo).

Trái với ý kiến cho rằng ăn thịt nhân tạo không đem lại cảm giác “tự nhiên” như thịt động vật, thực tế cho thấy 99% lượng thịt ở Mỹ được sản xuất theo quy trình công nghiệp, trong đó các con vật bị nuôi nhốt hoàn toàn, không thấy ánh mặt trời và thậm chí không có chỗ để xoay thân mình. Do đó, loại thịt phần lớn người dân Mỹ đang ăn cũng không hề tự nhiên.

Song những lợi ích của thịt nhân tạo lại khá rõ ràng. Một số ý kiến cho rằng thịt nhân tạo lành mạnh hơn vì chúng giúp người tiêu dùng tránh dung nạp các yếu tố gây ung thư có liên quan tới thịt đỏ và các hormone tăng trưởng cũng như kháng sinh trong chăn nuôi gia súc. Bên cạnh đó, yếu tố thân thiện với môi trường của thịt nhân tạo là đáng kể khi lượng phát thải khí CO2 và các loại khí nhà kính, nguồn nước và đất cần để sản xuất sẽ ít hơn hẳn so với chăn nuôi gia súc lấy thịt.

Dù đang tăng trưởng một cách nhanh chóng, ngành công nghiệp thịt nhân tạo vẫn còn đoạn đường dài để đi vào chế độ dinh dưỡng phổ biến của người dân khi chỉ chiếm ít hơn 1% thị trường thịt tại Mỹ. Bởi vậy, nếu muốn thâm nhập thị trường chính thống, các công ty sản xuất thịt thay thế sẽ phải giải quyết được những lo ngại trên.

Tổng hợp:

https://futurism.com/angry-backlash-fake-meat
https://www.vox.com/future-perfect/2019/10/7/20880318/meatless-meat-mainstream-backlash-impossible-burger